“Khởi nghiệp”, môn học không thể thiếu của Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh


13/06/2023 10:57  422

Vượt qua khoảng thời gian hơn một năm của khóa đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Thủ Dầu Một, các học viên cao học CH21QT01 bước vào học phần cuối cùng của chương trình là môn học Khởi nghiệp và Quản trị Khởi nghiệp.

Các học viên lớp CH21QT01 cảm thấy rất vinh dự khi được chính thầy Hiệu trưởng của Trường là Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường tham gia giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm với lớp ở học phần này bởi vì thầy là người đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của tỉnh Bình Dương trước khi tham gia vào công tác đào tạo.

Tại các buổi học, học viên được nghe thầy truyền đạt kiến thức về Khởi nghiệp và Quản trị khởi nghiệp thông qua 5 chương học là tổng quan về khởi nghiệp, hình thành ý tưởng khởi nghiệp, phương án khởi nghiệp, triển khai dự án khởi nghiệp và tài chính trong dự án khởi nghiệp. Một điều rất đặt biệt bởi cách giảng của thầy Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường sau mỗi chương học, các học viên tự chia nhóm và thực hiện “Khởi nghiệp”. Từ việc cùng nhau trao đổi về những doanh nhân nổi tiếng tạo nên thương hiệu Việt Nam như ông Trần Lê Nguyên Vũ – Chủ cà phê Trung Nguyên hay ông Trần Hoàn – Chủ tịch Sâm Ngọc Linh Kontum K5 đến việc các nhóm tự trang bị dụng cụ để thực hiện mô hình và bàn nhau phương án mời chào sản phẩm của một tập đoàn bất động sản “khủng” mà nhà đầu tư lớn không ai khác chính là thầy. Các học viên phải thuyết phục sao cho “nhà đầu tư” đồng ý thì sẽ thành công. Tại các buổi học, các nội dung được thầy và các học viên trao đổi thẳng thắn trong không khí vui tươi, đi học như đi kinh doanh và có quyền thể hiện quan điểm “chủ doanh nghiệp” của mỗi cá nhân.

Hình 1: Học viên chia nhóm thực hiện các dự án “Khởi nghiệp”

Hình 2: Dự án bất động sản “khủng” của nhóm khởi nghiệp

 

Kết thúc môn học, các học viên hoàn thành phần bài tập cá nhân “lập mô hình kinh doanh” và một bài cuối kỳ làm việc nhóm “lập kế hoạch kinh doanh”. Theo đó, các cá nhân sẽ áp dụng Mô hình kinh doanh Canvas (Business Model Canvas - BMC) để phát triển một kế hoạch kinh doanh đạt hiệu quả và các nhóm sẽ phải lập một kế hoạch kinh doanh theo cấu trúc cơ bản đã được nghiên cứu, trao đổi về bối cảnh thị trường; chiến lược kinh doanh; mô tả sản phẩm/dịch vụ; lợi thế cạnh tranh; bí quyết công nghệ; kế hoạch marketing; kế hoạch nguồn lực; kế hoạch sản xuất; kế hoạch tổ chức hệ thống quản lý; nhu cầu vốn đầu tư ban đầu: vốn chủ/vốn vay; kế hoạch sử dụng vốn và kết quả kinh doanh; các tác động về kinh tế - xã hội và môi trường và kết luận: xác định tính khả thi và các cam kết. Bài làm như là một dự án khởi nghiệp mà bản thân ai cũng mong muốn nó thực sự đạt được thành công.

Hình 3: Chọn phương án nào đây?

 Hoàn thành môn học cuối cùng của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Thủ Dầu Một, mặc dù vẫn còn chặng đường dài là bài luận văn ở phía trước nhưng các học viên của lớp CH21QT01 vẫn mang trong mình một sự hứng khởi, một quyết tâm có thể thay đổi bản thân, mạnh dạn “Khởi nghiệp” từ những kiến thức của thầy, cô sau khi ra trường. Đồng thời, hy vọng sự thành công đang chào đón tất cả học viên của Trường.

Hình 4: Các học viên chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Hiệu trưởng TS Nguyễn Quốc Cường

tại khuôn viên “xanh” thương hiệu của Trường Đại học Thủ Dầu Một

Kính chúc thầy Hiệu trưởng – Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường và tất cả các thầy cô của Trường Đại học Thủ Dầu Một luôn mạnh khỏe, chúc Viện Đào tạo Sau đại học ngày càng phát triển và đặc biệt chúc Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh ngày càng hấp dẫn với những học phần và cách giảng dạy thú vị như môn Khởi nghiệp và Quản trị khởi nghiệp này.

Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô!

Tác giả: Phạm Quang Long - HVCH Lớp CH21QT01